Các quốc gia đồng văn Thái_phi

Tại các quốc gia theo hình thức Trung Hoa như Việt Nam, Nhật Bản cùng Hàn Quốc, chế độ "Đa thê" hoặc "Đa thiếp" cũng được noi theo, do đó trong hậu cung của Hoàng đế cùng Quốc vương tại ba quốc gia này cũng có phi tần. Khi các vị Tiên Hoàng đế cùng Tiên vương qua đời thì các quốc gia đều có chính sách đối đãi, nhìn chung ngoại trừ Nhật Bản thì Việt Nam và Hàn Quốc tương tự triều Tống.

Tại Nhật Bản, huy hiệu dành cho hậu phi rất đơn giản, do bởi vì họ không ngại tên thật cho nên những chức danh và địa vị chỉ là để hoạch định thân phận. Mà trong hoàng thất Nhật Bản thời kỳ đầu, thân phận Hoàng phi đều rất cao, không kém cạnh Hoàng hậu, bởi vì họ đều là các Hoàng nữ hoặc con gái Tể thần. Sau khi Thiên hoàng qua đời, những gì họ để ý đến nhất là sinh hoạt phí sẽ ra sao, phần nhiều Hoàng phi xuất thân hoàng tộc, có vị hiệu Nội thân vương hoặc Nữ vương, nên họ đều có đất phong và điền trang riêng biệt. Mà Hoàng phi là con gái Tể thần có thể dễ dàng về nhà, sống cuộc sống góa phụ khép kín hoặc đến những đất phong đã được Thiên hoàng ban sẵn làm sinh hoạt phí, như trường hợp phu nhân Soga no Ōnu-no-iratsume (大蕤娘; Đại Nhuy Nương) của Thiên hoàng Tenmu, người được ban thực ấp một trăm hộ. Chế độ góa phụ của Nhật Bản còn có một thứ đặc thù là 「Nữ viện; 女院」, khi đó góa phụ quý tộc đều sẽ xuất gia, đây là bởi vì chế độ gia sản chùa chiền của Nhật Bản vẫn rất hưng thịnh và ổn định, cho nên thường là "lối thoát" cho quý phụ Nhật Bản sau khi chồng mình qua đời. Khi có huy hiệu Nữ viện, hò đều sẽ lấy tên xuất gia như 「"xx môn viện"」 hoặc 「"xx viện"」, khi có được huy hiệu Nữ viện thì góa phụ đó sẽ hoàn toàn có chu phí vĩnh viễn. Góa phụ của các Shogun thời Edo cũng theo phương thức này.

Khác với Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc đều chủ trương giống triều đình Trung Hoa, tức đều "giam giữ" các phi tần góa phụ của Tiên Hoàng đế cùng Tiên vương vào những địa điểm đặc thù, những chu cấp sinh hoạt phí các phi tần góa phụ này cũng rất phụ thuộc vào quy hoạch của triều đình, đa phần dựa vào huy hiệu của họ. Có hai cách thức chính đối đãi phi tần góa phụ, đều là đưa lên thủ giữ Lăng viên hoặc phụng sự nhang khói trong Cung hoặc trong chùa chiền cố định nào đó, hai cách thức chính này tồn tại đến tận triều Nguyễn cùng Triều Tiên. Bên cạnh đó, các triều đại Việt-Hàn nhìn chung đều làm phương thức của triều Tống đối với huy hiệu của các phi tần này, tức là giữ nguyên hoặc gia tôn thêm huy hiệu, mà các huy hiệu này là có sẵn trong hệ thống hậu cung chứ không có khái niệm gọi chung "Thái phi" như triều Thanh. Ví dụ điển hình trong lịch sử Việt Nam chính là Ngô Thị Ngọc Dao, bà là Tiệp dư của Lê Thái Tông, sau khi Thái Tông qua đời thì bà lên thủ giữ Lăng viên và được gia phong làm Sung viên - bậc thuộc "Tam sung" hàng Cửu tần, ở trên tước Tiệp dư trong hệ thống hậu cung triều Lê. Chỉ có người phi tần mẹ ruột của Hoàng đế mới có đối đãi khác biệt, như tôn thẳng lên làm Hoàng thái hậu nếu không có Đích mẫu, hoặc làm Hoàng thái phi nếu đã có Đích mẫu, riêng Triều Tiên vương chỉ có thể tôn các mẹ ruột phi tần của mình làm 「"Cung"」 bởi vì Vương đại phi là tôn hiệu chỉ dành riêng cho Vương phi.